Khi đầu tư vào cổ phiếu, cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư không nên bỏ qua. Cổ tức phản ánh tình hình kinh doanh của công ty cổ phần. Khi làm ăn có lãi, công ty cổ phần sẽ tiến hành chia cổ tức nếu đã hoàn thành các nghĩa vụ khác.
Hãy cùng đọc bài viết này để hiểu rõ hơn về cổ tức nhé!
Cổ tức là gì?
Cổ tức (Dividend) có nghĩa là khoản lợi nhuận ròng mà mỗi công ty trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc tài sản khác có giá trị tương đương. Trong đó, lợi nhuận ròng là số tiền mà tổng doanh thu trừ đi các khoản chi phí và thuế.
Ngoài việc công ty hoạt động tạo ra lợi nhuận và chi trả cho cổ đông, thì một phần lợi nhuận sẽ được giữ lại để tái đầu tư cũng như trích thành quỹ dự phòng, được hiểu là lợi nhuận giữ lại.
Hiện nay, cổ tức được chia thành 2 loại phổ biến:
- Cổ tức cổ phiếu phổ thông: Chi trả một phần lợi nhuận ròng của công ty theo quy định sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế và tài chính khác.
- Cổ tức cổ phiếu ưu đãi: Tùy theo loại hình cổ phiếu ưu đãi mà cổ đông sẽ được ưu tiên chia mức phần trăm cổ tức cao hơn cổ tức phổ thông hoặc các quyền lợi khác.
Chia cổ tức là gì?
Chia cổ tức là việc doanh nghiệp trích một phần lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh để chi trả cho các cổ đông trong công ty.
Mục đích cơ bản của việc kinh doanh chính là tạo ra lợi nhuận cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Những người nắm giữ cổ phiếu là cổ đông – họ sẽ nhận được một phần lợi nhuận trích từ lợi nhuận kinh doanh của công ty.
Hiểu đơn giản hơn, nhà đầu tư bỏ tiền ra nắm giữ cổ phiếu, họ sẽ được trả “lãi” dựa trên số cổ phiếu (tức số tiền đã bỏ ra). Doanh nghiệp không dành toàn bộ thu nhập để chia cổ tức, mà hầu hết dùng để tái đầu tư, lập các quỹ dự phòng,… phần còn lại mới dùng để chi trả cho các cổ đông.
Tỷ suất cổ tức là gì?
Tỷ suất giúp đo lường mức lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể nhận từ cổ tức được gọi là tỷ suất cổ tức. Vậy tại sao cần quan tâm đến tỷ suất cổ tức?
Lấy một ví dụ cụ thể như sau:
- Cổ phiếu công ty A đang giao dịch giá 20.000 đồng/cổ phiếu, cổ tức trả hằng năm là 1.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi cổ phiếu công ty B giá là 40.000 đồng/cổ phiếu, cổ tức chi trả hằng năm cũng chỉ 1.000 đồng/cổ phiếu.
- Tính được tỷ suất cổ tức công ty A = (1.000/20.000)*100 = 5%
- Tỷ suất cổ tức công ty B = (1.000/40.000)*100 = 2.5%
- Trong trường hợp các yếu tố giao dịch của hai công ty tương đương nhau thì khả năng cao nhà đầu tư lựa chọn công ty A vì tỷ suất cổ tức gấp đôi.
Có thể nói, dựa vào tỷ suất này, bạn sẽ lựa chọn được cổ phiếu đầu tư có lợi nhuận cao hơn trong dài hạn. Tuy nhiên, không nên lạm dụng chỉ số này trong mọi quyết định, nhà đầu tư cần cân nhắc nhiều yếu tố liên quan, xem xét đến các tiêu chí khác để có được cái nhìn tổng thể, đầy đủ và chính xác nhất. Từ đó mang lại kết quả đầu tư tốt hơn, đảm bảo lợi nhuận cao nhất.
Làm thế nào để được nhận cổ tức?
Để được nhận cổ tức, bạn chỉ cần nắm giữ cổ phiếu trước ngày giao dịch không hưởng quyền.
Nếu cổ phiếu bạn nắm giữ là cổ phiếu đã niêm yết, cổ tức sẽ được trả trực tiếp vào tài khoản chứng khoán của bạn.
Đặc biệt, với trường hợp công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì sau khoảng 30-60 ngày, cổ phiếu đó mới được chia về tài khoản của bạn.
Trường hợp cổ phiếu bạn nắm giữa là cổ phiếu chưa niêm yết (OTC), bạn cần liên hệ và đến trực tiếp doanh nghiệp để nhận cổ tức.
Xem thêmhướng dẫn mở tài khoản chứng khoán SSI để giao dịch mua cổ phiếu và nhận cổ tức.
Các hình thức trả cổ tức
Căn cứ theo khoản 3, Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định về việc trả cổ tức:
“Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty. Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, bạn có thể hiểu đơn giản là các công ty hiện đang áp dụng các hình thức chi trả cổ tức phổ biến là: trả cổ tức bằng cổ phiếu, tiền mặt hoặc tài sản khác có giá trị tương ứng.
1. Trả bằng tiền mặt
Trả bằng tiền là việc doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt trực tiếp vào tài khoản chứng khoán cho cổ đông.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, khi 1 doanh nghiệp công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền, thì tức là dựa trên mệnh giá cổ phiếu (tương ứng 10.000 đồng/CP)
Ví dụ: Ngày 18/11/2020, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 4%. Như vậy, 1 cổ phiếu PVT sẽ nhận được: 4% x 10.000 = 400 đồng.
Chú ý: Tỷ lệ cổ tức sẽ được tính trên mệnh giá 10.000đ/cổ phiếu (không tính trên giá thị trường giao dịch hàng ngày).
2. Trả bằng cổ phiếu
Với cách trả bằng cổ phiếu, thì bạn có thể hiểu là công ty đang cần giữ lại lợi nhuận để tiếp tục đầu tư phát triển. Hình thức này được khá nhiều công ty, doanh nghiệp đang trên đà phát triển và có nhu cầu mở rộng kinh doanh sử dụng. Khi đó, công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu (zero-cost) hoặc trong nhiều trường hợp sẽ sử dụng cổ phiếu quỹ (nếu có) để trả cổ tức cho cổ đông.
Đặc biệt, khi chi trả bằng cổ phiếu, công ty sẽ không cần làm thủ tục phát hành hoặc chào bán, mà phải tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phiếu trả cổ tức trong vòng 10 ngày (tính từ ngày hoàn thành thanh toán cổ tức).
Ví dụ: Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (Mã chứng khoán là AAA) quyết định trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13%.
Như vậy, nếu mỗi cổ đông nắm 100 cổ phiếu AAA sẽ được thêm 13 cổ phiếu mới.
Có nên nhận cổ tức hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, cần xác định mục đích đầu tư của bạn là gì. Nếu bạn tìm kiếm một kênh đầu tư dài hạn, an toàn thì nên mua cổ phiếu để nhận cổ tức.
Cổ phiếu là kênh giúp mang lại nguồn thu nhập thụ động lâu dài – chính là cổ tức. Vì vậy việc đầu tư vào cổ phiếu và hy vọng nhận lợi nhuận thường diễn ra trong dài hạn. Doanh nghiệp chi trả cổ tức theo năm là chủ yếu, bạn cần nắm giữ cổ phiếu chứ không thể mua đi/bán lại liên tục trên thị trường. Điều này khá giống với việc gửi tiền để nhận lãi suất ngân hàng theo kỳ hạn.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm kiếm một kênh đầu tư lợi nhuận cao hơn, muốn nhanh chóng kiếm lời thì nên cân nhắc trước khi quyết định mua cổ phiếu để nhận cổ tức.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu hay tiền mặt có lợi hơn?
Để biết cách chi trả cổ tức nào tốt nhất, trước hết bạn cần hiểu rõ điểm khác nhau quan trọng nhất giữa việc trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ tức bằng cổ phiếu là dòng tiền lưu thông của doanh nghiệp.
Đối với việc trả cổ tức bằng tiền, dòng tiền từ lợi nhuận sau thuế sẽ đi ra khỏi doanh nghiệp. Cụ thể, là được chi trả vào tài khoản của từng cổ đông.
Còn việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, dòng tiền về cơ bản vẫn ở trong doanh nghiệp. Chỉ có sự thay đổi từ khoản mục Lợi nhuận sau thuế (chưa phân phối) chuyển sang khoản mục Vốn góp của chủ sở hữu.
Hầu hết, nhà đầu tư đều thích được nhận cổ tức bằng tiền mặt vì “tiền tươi thóc thật” bao giờ cũng tốt hơn nên việc công ty trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ thể hiện cho cổ đông rằng công ty đang hoạt động kinh doanh có lợi nhuận.
Đương nhiên, đây có vẻ là một dấu hiệu tốt.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp trả cổ tức bằng tiền mặt không hẳn đã là tốt. Khi đầu tư cổ phiếu bạn cần hiểu rõ bản chất trong việc trả cổ tức của công ty.
Cách tính giá điều chỉnh tại ngày GDKHQ
Bạn có thể áp dụng công thức tổng quát dưới đây trong nhiều trường hợp:
- Trả cổ tức bằng tiền
- Trả cổ tức bằng cổ phiếu
- Phát hành thêm cổ phiếu
- Chia tách cổ phiếu
Công thức tổng quát:
Trong đó:
- P: Giá hiện tại
- P_dc: Giá điều chỉnh
- P_ph: Giá cổ phiếu phát hành thêm
- m: Tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm
- n: Tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu (hoặc cổ phiếu thưởng)
- D: cổ tức bằng tiền mặt
Ví dụ:
Giả sử cổ phiếu XYZ có giá đóng cửa ngày 7/1/2020 là 30.000 đ/cổ phiếu. Ngày 8/1/2020 là ngày GDKHQ của cổ phiếu XYZ với các quyền sau:
- Cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%/mệnh giá: tương đương 1.500đ/cổ phiếu
- Cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 100:10 (hay 10%)
- Phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 100:20 với mức giá 20.000đ/cổ phiếu
Khi đó, giá tham chiếu của cổ phiếu XYZ tại ngày 8/1/2020 sẽ được tính như sau:
Hay: giá điều chỉnh là 25.000 đ/cổ phiếu.
Lưu ý quan trọng cho nhà đầu tư về cổ tức
Sau đây là một vài lưu ý quan trọng liên quan đến cổ tức mà nhà đầu tư không nên bỏ qua.
Nắm rõ lịch chia cổ tức của doanh nghiệp
Tại sao bạn nên nắm rõ lịch chia cổ tức của doanh nghiệp? Thực tế trong khoản thời gian doanh nghiệp có thông báo tiến hành chi trả cổ tức, giá trên thị trường của cổ phiếu sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Sau ngày chi cổ tức, giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh giảm theo tỷ lệ chi trả cổ tức. Lúc này nhà đầu tư có thể sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp với mức giá tốt hơn so với trước khi chia cổ tức.
Nếu bạn không phải là cổ đông của công ty chuẩn bị chia cổ tức, việc nắm rõ lịch chia cổ tức giúp bạn chớp thời cơ mua vào – bán ra chốt lời hiệu quả hơn.
Nhận cổ tức như thế nào đúng nhất?
Có nhiều hình thức chi trả cổ tức, nhưng trả bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu được áp dụng nhiều hơn.
Cách nhận cổ tức bằng cổ phiếu như thế nào?
- Cổ phiếu sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản chứng khoán của cổ đông. Thời gian cổ phiếu về tài khoản giao động từ 30 – 60 ngày sau khi doanh nghiệp hoàn tất mọi thủ tục cần thiết.
Cổ tức bằng tiền bao lâu về tài khoản?
- Đối với cổ tức trả bằng tiền mặt, bạn có thể nhận thông qua tài khoản chứng khoán đăng ký trước đó, nhận séc hoặc qua bưu điện gửi trực tiếp tới nhà.
- Thời gian nhận có thể kéo dài từ 1,5 tháng đến 2 tháng, sau khi doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục, quy định niêm yết cổ phiếu.
Ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức là gì?
Ngày đăng ký cuối cùng là ngày mà doanh nghiệp chốt danh sách các cổ đông nhận cổ tức. Công ty dùng ngày đó xác nhận tất cả các nhà đầu tư hiện nắm giữ cổ phiếu trong công ty, nếu họ không có tên trên sổ sách công ty trước ngày ghi, họ sẽ không nhận được cổ tức.
Giả sử công ty công bố thực hiện phân phối cổ tức ngày 01/12 và ngày đăng ký cuối cùng là 10/11, nhà đầu tư muốn nhận cổ tức phải mua cổ phiếu trước ngày 10/11.
Cổ đông khi nhận cổ tức có phải chịu thuế TNCN không?
Theo quy định của luật pháp hiện nay, thu nhập từ đầu tư vốn – trong đó có cổ tức nhận từ việc góp vốn vào công ty cổ phần – phải đóng thuế thu nhập cá nhân 5% trên giá trị thu nhập từ cổ tức. Cho nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn trả cổ tức bằng cổ phiếu để giúp cổ đông tiết kiệm một khoản phí thuế.