Đối với những người quan tâm đến kinh tế thế giới, chắc hẳn không thể không quan tâm đến chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA). Ngay khi ra đời nó đã trở thành khoản đầu tư của rất nhiều nhà giao dịch chỉ số. Có lẽ việc nó được hình thành từ các ông lớn trong ngành công nghiệp Mỹ đã tạo nên một sức hút kì lạ cho các nhà đầu tư.
Vậy chỉ số Dow Jones là gì?
Dow Jones Index, Chỉ số Dow Jones (hay còn gọi là Dow) được tạo thành từ ba mươi cổ phiếu được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và NASDAQ, do chính công ty Dow Jones trực tiếp quản lý. Đối với các nhà đầu tư, chỉ số Dow Jones chính là thước đo để tính toán cho toàn bộ thị trường của Mỹ.
Chỉ số Dow Jones bao gồm tất cả các ngành công nghiệp chính, có thể kể đến tài chính, công nghệ, giải trí, bán lẻ hay tiêu dùng của thị trường Mỹ. Trên thị trường chứng khoán, chỉ số này được ký hiệu là DJIA, Dow 30, DJ30…
Lịch sử ra đời của chỉ số Dow Jones
Trước khi tìm hiểu Dow Jones là gì thì chúng ta sẽ cùng điểm sơ lại lịch sử ra đời của chỉ số chứng khoán nói chung và Dow Jones nói riêng. Trước đây, nhà đầu tư chỉ quan tâm đến những cổ phiếu mà mình đang nắm giữ và không mấy mặn mà với những cổ phiếu khác.
Người ta chỉ biết mỗi cổ phiếu tăng hay giảm trong hôm nay chứ không thể biết được thị trường chung đang tăng hay giảm vì có đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn cổ phiếu được niêm yết trên một sàn, không thể nhìn sơ qua là biết ngay được mà phải có một cái gì đó để đại diện cho toàn thị trường.
Chính Charles Dow, người đã tạo ra lý thuyết Dow nổi tiếng và cũng là cha đẻ của trường phái phân tích kỹ thuật, ông đã sớm nhận ra được điều này, ông cho rằng hầu hết các cổ phiếu đều chịu ảnh hưởng bởi thị trường và nền kinh tế chung vì thế ông đã cố gắng để tìm ra một đại lượng kinh tế phản ánh được xu hướng chung của toàn thị trường. Đại lượng đó ngày nay gọi là chỉ số chứng khoán.
Ngày 3/7/1884, Charles Dow đưa ra một khái niệm về mức trung bình của 11 công ty vận tải, trong đó bao gồm 9 công ty vận tải đường sắt của Mỹ trong tờ báo Wall Street Journal. Khái niệm này cũng chính là tiền thân của chỉ số chứng khoán.
Chỉ số này được tính toán lần đầu tiên vào ngày 26/5/1896, Dow Jones đã lấy giá đóng cửa của 12 công ty lớn nhất thuộc nhóm ngành công nghiệp Mỹ và tính trung bình của các mức giá đó. Và mức giá đầu tiên được công bố trên The Wall Street Journal là 40.94$, đây cũng chính là giá trị đầu tiên của chỉ số Dow Jones này.
Đây là 12 cổ phiếu ban đầu của Chỉ số Dow Jones:
- American Cotton Oil
- American Sugar
- American Tobacco
- Chicago Gas
- Distilling & Cattle Feeding
- General Electric
- Laclede Gas
- National Lead
- North American
- Tennessee Coal and Iron
- U.S. Leather pfd.
- U.S. Rubber
Sau đó vào năm 1916, ông tăng lên thành 20 cổ phiếu và năm 1928 là 30 cổ phiếu. Con số 30 cổ phiếu được duy trì cho đến ngày nay và chiếm hơn 25% giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York.
Trong thế kỷ vừa qua, danh sách 30 cổ phiếu này luôn có sự thay đổi, duy chỉ có General Electric là trụ được từ lúc ban đầu cho đến nay. Các công ty lớn như General Motor, Coca-Cola, Microsoft cũng góp phần tạo nên chỉ số DJIA ngày nay.
Công thức tính chỉ số Dow Jones
Không chỉ Dow Jones mà một vài chỉ số khác như JP225 của Nhật hay MBI của Ý cũng áp dụng phương pháp số bình quân giản đơn. Công thức khá đơn giản, giá trị của chỉ số bằng tổng thị giá của các cổ phiếu chia cho số cổ phiếu trong danh sách được tính toán.
DJIA = ∑Pi /n
Với Pi là giá của mỗi cổ phiếu, n là tổng số cổ phiếu được tính toán, trong trường hợp này thì n bằng 30.
Tuy nhiên, trong quá trình tính toán, sẽ có một số yếu tố liên quan đến nghiệp vụ vốn của các công ty như tách, gộp cổ phiếu, thưởng cổ phần, phát hành cổ phiếu mới, bán chứng quyền, cổ phiếu trong rổ đại diện bị giảm giá trong những ngày giao dịch không có cổ tức…làm cho giá trị của chỉ số bị thay đổi trong khi giá cổ phiếu thực chất không đổi. Để loại bỏ các yếu tố này và làm cho chỉ số chứng khoán có thể phản ánh đúng sự biến động của giá cả trên thị trường mà người ta sử dụng một số chia (hay ước số – divisor), số chia này sẽ liên tục thay đổi khi xảy ra bất kỳ một sự kiện nào liên quan đến nghiệp vụ vốn của các công ty như đã nói ở trên.
Lúc này, công thức tính của chỉ số Dow Jones sẽ được thay đổi như sau:
DJIA = ∑Pi /D, với D chính là số chia.
Các chỉ số khác trong bộ chỉ số Dow Jones
Ngoài Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) thì còn 3 chỉ số khác nữa cũng được phát triển bởi Charles Dow, đó là Chỉ số trung bình vận tải Dow Jones, Dow Jones dịch vụ công cộng và Dow Jones hỗn hợp.
- Dow Jones Vận tải (Dow Jones Transportation Average – DJTA): đây chính là chỉ số chứng khoán đầu tiên đã được chúng tôi nhắc đến ở phần lịch sử của chỉ số chứng khoán. Ngày nay, chỉ số này bao gồm 20 cổ phiếu của các công ty đại diện cho ngành đường sắt, đường thủy và hàng không, được niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Mặc dù hiện tại chỉ số này đã được sáp nhập vào chỉ số Dow Jones (Dow Jones hỗn hợp) và không còn xuất hiện trên thị trường chứng khoán Mỹ nhưng các công ty đường sắt của Mỹ vẫn tính toán chỉ số này để đánh giá thực trạng nội bộ của ngành. Tuy nhiên, các trader muốn đầu tư vào chỉ số này không khó, DJTA vẫn được các sàn forex đưa vào danh mục các chỉ số được giao dịch trên thị trường.
- Dow Jones dịch vụ công cộng (Dow Jones Utility Average – DJUA): chỉ số này bao gồm 15 công ty lớn nhất ngành khí đốt và điện ở Mỹ. DJUA được công bố lần đầu tiên vào tháng 1/1929 trên tờ The Wall Street Journal.
- Dow Jones hỗn hợp: là chỉ số chung của 65 cổ phiếu trong cả 3 chỉ số Dow Jones nói trên.
Trong cả 4 chỉ số Dow Jones kể trên thì DJIA là chỉ số được sử dụng phổ biến nhất và cũng chính là thước đo của thị trường chứng khoán Mỹ. Chính vì thế, khi nhắc đến chỉ số Dow Jones, người ta thường sẽ nói đến Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones.
Tầm quan trọng của Dow Jones
Cùng với NASDAQ Composite, S&P 500 và Russell 2000, chỉ số DJIA là một trong các chỉ số chuẩn được theo dõi chặt chẽ nhất để biết về các hoạt động tại thị trường chứng khoán Mỹ. Mặc dù DJIA ra đời nhằm đánh giá hiệu suất ngành công nghiệp Mỹ, nhưng chỉ số này không chỉ bị ảnh hưởng bởi các báo cáo kinh tế, mà còn bởi những sự kiện chính trị trong và ngoài nước Mỹ như chiến tranh, khủng bố…
Các biên tập viên của The Wall Street Journal – tờ báo được xuất bản bởi công ty Dow Jones – lựa chọn các công ty thành phần tạo nên chỉ số DJIA. Ngày nay, ý nghĩa của chỉ số đã được mở rộng hơn so với cái tên “công nghiệp” của nó. Về cơ bản, bất kỳ công ty nào không thuộc ngành giao thông vận tải hay dịch vụ đều có thể được định danh trong chỉ số.
Không có quy định cụ thể về tiêu chí lựa chọn các công ty thành phần, nhưng một cổ phiếu chỉ được định danh trong DJIA khi có danh tiếng tuyệt vời, thể hiện sự tăng trưởng bền vững và là mối quan tâm của một lượng lớn các nhà đầu tư.
Mỗi công ty trong số 30 công ty thành phần được chỉ định một tỷ lệ phần trăm đại diện cho trọng số của nó khi tính chỉ số. Ví dụ như 3M có trọng số là 5,3%, thì 5,3% biến chuyển của chỉ số DJIA có thể phụ thuộc vào biến chuyển của cổ phiếu 3M. Trong trường hợp các biên tập viên quyết định một công ty thành phần nên được thay đổi, thì toàn bộ danh sách sẽ được xem xét.
DJIA được tính theo phương pháp trọng số giá, bằng cách lấy tổng giá của 30 cổ phiếu chia cho một số gọi là ước số (DJIA divisor).
Ước số này liên tục được điều chỉnh trong trường hợp xảy ra các vụ gộp, tách cổ phiếu, các khoản thanh toán cổ tức hay những thay đổi cấu trúc tương tự nhằm đảm bảo những vụ việc này không ảnh hưởng đến giá trị của DJIA. Nếu không làm như vậy, chỉ số sẽ giảm bất cứ khi nào có một vụ chia tách cổ phiếu diễn ra. Ước số hiện nay sau nhiều điều chỉnh có giá trị ít hơn 1, nghĩa là chỉ số DJIA có giá trị cao hơn tổng giá các thành phần.
Tóm lại, chỉ số DJIA bạn nghe trong các bản tin kinh tế chính là trung bình trọng số giá của 30 cổ phiếu. Khi chỉ số DJIA tăng 20 điểm, có nghĩa là để mua các cổ phiếu này vào 4:00 giờ chiều hôm nay (thời gian đóng cửa thị trường), bạn sẽ phải tốn thêm 20 đô la so với cùng thời điểm một ngày trước.
Ưu điểm của chỉ số DJIA là nó tập trung vào các công ty có mức vốn hóa lớn, những cái tên nổi bật đối với các nhà đầu tư, khiếnDJIA trở thành chỉ số thường xuyên được cập nhật. Khi nhà đầu tư muốn biết thị trường hôm nay thế nào, họ thường xét đến DJIA.
Bởi vì DJIA chỉ giới hạn trong 30 công ty Mỹ, nhược điểm của chỉ số này là không có tính đa dạng. Mặc dù DJIA không chỉ tập trung vào các công ty công nghiệp như tên của nó (trước đây là như vậy), nhưng chỉ số này không phản ánh chính xác hiệu suất các khu vực quan trọng khác của thị trường Mỹ hay toàn cầu. Ngoài ra, nó là chỉ số theo giá, do đó không theo dõi hiệu suất thực tế của các công ty được niêm yết.
Thời gian giao dịch chỉ số Dow Jones (DJ Index)
Đối với chỉ số Dow Jones, các cổ phiếu được niêm yết trên Sàn giao dịch New York (NYSE) hoặc NASDAQ, các sàn giao dịch này được hoạt động trong khoảng thời gian từ 9:30 đến 16:30 hàng ngày (theo giờ địa phương).
Không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán thế giới. Mặc dù hiện nay có rất nhiều chỉ số chứng khoán nổi tiếng khác như S&P500 (SPX), NASDAQ Composite (IXIC) hay Russell 2000 nhưng Dow Jones vẫn được xem là chỉ số tiêu chuẩn nhất đại diện cho nền kinh tế.
Ngày nay, việc tiếp cận các thông tin liên quan đến Dow Jones rất dễ dàng, điều này càng thu hút nhiều hơn sự tham gia đầu tư và giao dịch chỉ số này trên các thị trường tài chính thông qua các sản phẩm phái sinh mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Với một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hay forex thì chỉ số Dow Jones là một chỉ số kinh tế mà các bạn cần nghiên cứu và theo dõi thường xuyên, để kịp thời phản ứng với những biến động của thị trường được phản ánh trực tiếp vào chỉ số này.