Bạn có bao giờ thắc mắc có những người dù thu nhập chưa cao, nhưng họ sống rất thoải mái và tiết kiệm được khoản dự phòng, ngược lại có những người dù kiếm được nhiều tiền, có tài sản lớn nhưng vẫn luôn bất an với tình hình tài chính của mình. Điều này không hiếm, một trong số đó xuất phát từ chính những lầm tưởng về quản lý tài chính cá nhân khiến cho con đường lập kế hoạch tài chính không được như mong muốn hoặc thậm chí không được thực hiện.
Sau đây là những lầm tưởng hay gặp:
Lầm tưởng 1: Tôi không cần lập kế hoạch tài chính
Sự thật là: Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiều tiền, bạn tiết kiệm được nhiều hay ít. Cho dù bạn còn đi học, mới ra trường hay đã thành đạt. Lập kế hoạch tài chính sẽ cho phép bạn hiểu chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư tiền của mình theo cách tốt nhất có thể, giúp đảm bảo tương lai của bạn và gia đình.
Lầm tưởng 2: Tích sản hưu trí là lo xa, tính chuyện xa vời
Sự thật là: Giá trị của các khoản tiết kiệm hưu trí nằm ở thời gian tích lũy. Vì vậy, bạn nên bắt đầu đầu tư cho tiền hưu của mình càng sớm càng tốt, điều này sẽ giúp bạn có cuộc sống đầy đủ hơn trong tương lai.
Bạn có thể áp dụng quy tắc x25 (tức số tiền bạn đang có bằng khoảng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm). Ví dụ: Nếu bạn cần 10.000.000 đồng/tháng tương đương 120.000.000 đồng/năm để chi tiêu, thì số tiền tối thiểu bạn cần để sống trong 25 năm về hưu là 120.000.000 x 25 = 3 tỷ đồng. Từ đó, hãy đặt mục tiêu tiết kiệm cho bản thân mình từ khi còn trẻ.
Lầm tưởng 3: Bỏ qua cơ hội đầu tư vì cho rằng đó là khoản đầu tư rủi ro
Sự thật là: Hãy luôn nhớ rằng rủi ro cao tương đương với lợi nhuận kỳ vọng cao. Thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm đảm bảo thu nhập cố định, bạn vẫn phải tính đến yếu tố lạm phát và thuế có thể còn lớn hơn khoản lợi nhuận thu được.
Tận dụng cơ hội đầu tư có rủi ro như đầu tư cổ phiếu, nhưng rủi ro được kiểm soát bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc được giảm thiểu theo thời gian nắm giữ dài hạn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn, tuy nhiên cần trang bị nền tảng kiến thức vững vàng nhé.
Lầm tưởng 4: Lập kế hoạch cho bản thân là đủ
Sự thật là: Cuộc sống sẽ có rất nhiều những biến số bất ngờ xảy đến với bạn và gia đình, nhiều khoản tiền không tên sẽ chờ bạn xử lý. Nhất là khi bạn lập gia đình, thu nhập, chi tiêu, mọi quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng và quyết định đến cuộc sống của mọi người trong gia đình. Vậy nên hãy lập kế hoạch tài chính dự phòng cho cả gia đình như chuẩn bị khoản tiền cho tuổi già và sức khỏe cho bố mẹ, bảo hiểm cho người thân, rèn luyện cho con tư duy độc lập về tài chính ngay từ nhỏ.
Lầm tưởng 5: Không cần chuyên gia tư vấn tài chính
Sự thật là: Lập kế hoạch tài chính sẽ dễ dàng và tối ưu hơn khi có sự tư vấn của chuyên gia, Họ có thể tư vấn cho bạn về cách tiết kiệm và đầu tư cũng như hiểu rõ các sản phẩm tài chính khác nhau hiện có trên thị trường. Do vậy bạn hoàn toàn có thể thuê chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân cho riêng mình, hoặc đơn giản là học hỏi từ những người có kiến thức và kinh nghiệm về tài chính cá nhân
Nguồn tham khảo: Mina Chung (Đại sứ nền tảng cộng đồng phụ nữ chuyên đề về tài chính trong cuộc sống)